Nhận diện và phản bác các âm mưu gây rối loạn trật tự xã hội trong quần chúng nhân dân
Tác phẩm đoạt giải C Cuộc thi Viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tỉnh Lâm Đồng lần thứ I năm 2024
Nguyễn Văn Bảo Nhân, học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long
Loại hình: Báo in
Trong thời gian vừa qua, nằm trong chiến lược diễn biến hòa bình, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là trên mặt trận tư tưởng của quần chúng nhân dân. Điều này mở ra một nguy cơ mới đối với sự ổn định chính trị của đất nước. Bài viết trình bày, phân tích về thực trạng các thế lực thù địch tấn công tư tưởng của nhân dân để thực hiện âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Tác giả Nguyễn Văn Bảo Nhân (thứ 3 từ trái qua) tại Lễ trao giải
Kỳ 1: Tự mình khoác áo “yêu nước”.
Ngày 30/4/1975, ngày giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước, cũng là ngày mà non sông, gấm vóc Việt Nam được nối liền một dải, nhân dân cả nước hân hoan trong niềm vui đại thắng. Thế nhưng, vẫn còn những kẻ “yêu nước” gọi đó là ngày “quốc hận”, và từ đó đến nay là hành trình 50 năm gieo rắc hận thù khắp nơi của những kẻ đã chối bỏ quê hương, sống lưu vong ở nước ngoài cứ mãi mắc kẹt trong cái quá khứ phồn vinh giả tạo của ngụy quyền Sài Gòn. Dù chưa một ngày tận mắt chứng kiến sự đổi mới của đất nước, cũng chưa từng làm được điều gì cho nhân dân Việt Nam, nhưng chúng vẫn “nhân danh nhân dân” để ra sức chống phá nhà nước Việt Nam. Trớ trêu thay, những kẻ tự hô hào mình “yêu nước” lại chính là những kẻ luôn đi ngược lại với xu thế toàn dân, chúng buồn bã, chán nản trong niềm vui toàn dân tộc, chúng tung hô, hả hê trước những nỗi buồn của nhân dân, chúng hậm hực và tìm cách phủ nhận những thành tựu của đất nước. Thật ra, chúng sợ Việt Nam sẽ phát triển. Chúng sợ rằng, đất nước Việt Nam, khi không cần cái chính quyền tay sai vẫn có thể vươn lên trở thành một đất nước hòa bình, ổn định, uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, có nền kinh tế năng động nhất thế giới, là đối tác tin cậy với nhiều quốc gia lớn trên thế giới.
Hình 1: Việt Nam là đối tác tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhìn vào cái cách mà các đối tượng phản động nước ngoài thể hiện “long yêu nước”, bất cứ ai cũng cảm thấy lố bịch và ấu trĩ. Rõ ràng nhất, tại Little Saigon – “sân khấu” của những “trò lố” mà hằng ngày, hằng giờ, luôn diễn ra một cách ồn ào, to tiếng dưới sự tổ chức của đám tàn quân thảm hại của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Nhìn vào những hình ảnh lộn xộn, bát nháo mà chúng gọi là duyệt binh, biểu tình nơi đây, thử hỏi rằng: Chúng đang đại diện cho điều gì của dân tộc Việt Nam? Chúng mang ra nước ngoài, quảng bá cho cộng đồng quốc tế về một hình ảnh Việt Nam như thế nào? Ngoài những con người “gần đất xa trời” với một tâm địa xấu xa, một đầu óc đen tối, cùng một lòng thù hận dai dẳng?
Trong khi các đối tượng chống cộng cực đoan vẫn còn đang níu kéo những tàn dư của quá khứ thì chính những người đã từng lãnh đạo chế độ ngụy quyền tay sai lại không muốn nhớ về điều đó. Trong một phỏng vấn của VTV1, cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Cao Kỳ đã khẳng định: “Mình phải chấp nhận đó là lịch sử, và đất nước đã được thống nhất rồi”. Thế nhưng, những tên hề ấy vẫn còn đang ngủ say trong một giấc mộng hão huyền về “Con rồng, con hổ châu Á”, chúng tự giải tỏa bản thân bằng việc treo “miếng vải vàng” và cho đó là đại diện cho cộng đồng hải ngoại. Nhưng, “miếng vải vàng” ấy, chưa bao giờ tượng trưng cho bản sắc của người Việt Nam, nó đi ngược lại tâm niệm và khát vọng của mỗi người dân Việt Nam, vì, chúng gợi lên sự đau khổ từ một thời giang sơn Việt Nam bị giày xéo, một nhà nước tay sai và bè lũ bán nước. Có thể khẳng định rằng, những tên hề ấy đang diễn những màn kịch xấu xí chốn hải ngoại, chẳng những là không đem lại lợi ích gì cho cuộc sống, mà còn bôi xấu đi hình ảnh con người Việt Nam. Vì vậy, chúng không có đủ tư cách để tự hào là một người Việt Nam, càng không có tư cách để nhân danh nhân dân Việt Nam!
Thế nhưng, chúng vẫn trơ trẽn núp dưới cái vỏ bọc “nhân danh nhân dân” cùng với những chiếc áo “sạch sẽ” mà các tổ chức NGOs như Human Rights Watch, “tổ chức ân xá quốc tế” đã “thương vay khóc mướn” rồi khoác lên cho những tên tội phạm luôn lăm le lật đổ chế độ với những cái tên tối nghĩa như “nhà hoạt động”, “tù nhân lương tâm”, “nhà dân chủ”. Trao cho nhau những giải thưởng với những cái tên kệch cỡm như “Giải thưởng bảo vệ nhân quyền”, rồi những tờ báo “phụ họa” như RFA, BBC, VOA tiếng Việt liên tục viện dẫn, nhai lại. Tất cả những điều đó, ngụy tạo cho bọn chúng một vỏ bọc để có thể lớn tiếng, cao giọng, đội lốt “nhân quyền”, “dân chủ”, “tự do” để đòi hỏi Nhà nước thực hiện theo những tiêu chuẩn “ngây ngô” mà bọn chúng đề ra.
Hình 2: Trang web của "tổ chức theo dõi nhân quyền"
Thực tế cho thấy, Đảng Cộng Sản Việt Nam và nhà nước luôn nhất quán, hướng tới mục tiêu cao nhất là tôn trọng, bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, điều này đã được thể hiện trong chỉ thị 12/TW của Ban bí thư Trung ương Đảng: “Quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên, qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại”. Vì vậy, Đảng chỉ đạo trong Cương lĩnh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính về phẩm giá con người”. Nhưng những quyền đó phải luôn gắn chặt với pháp luật, kỉ luật, kỉ cương thì mới có thể đảm bảo tất cả tầng lớp được hưởng các quyền bình đẳng như nhau và đẩy lùi được âm mưu của các thế lực thù địch luôn lợi dụng con bài “nhân quyền”. Không nơi đâu trên thế giới mà cả dân tộc thấm thía được giá trị của tự do, dân chủ, nhân quyền như Việt Nam, những giá trị mà phải đánh đổi bằng biết bao xương máu, hy sinh của cha anh đi trước, chiến thắng biết bao cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm mới có được. Hơn nữa, Việt Nam đã hai lần trúng cử vào hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu bầu gần như tuyệt đối, nếu một đất nước với tình trạng “đàn áp”, “độc tài” như những tên hề kia hằng rêu rao thì liệu có được bạn bè quốc tế tin tưởng như vậy không? Rõ ràng, những thế lực cơ hội chính trị ngoài kia không có tư cách nhận xét về nhân quyền, tự do, dân chủ tại Việt Nam!
Chắc chắn rằng, thứ chúng hướng đến không phải là những “lí tưởng” đẹp đẽ như “tự do, nhân quyền” cho nhân dân mà chính là “vịn” vào đó để gây luồng dư luận bất an, gây rối loạn trật tự xã hội, bất ổn về chính trị, từ đó, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, dần dẫn đến vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tất cả những việc làm đó, đều đi ngược lại với ước nguyện của nhân dân Việt Nam, mong muốn có một đất nước hòa bình để sinh sống và làm việc, phát triển đời sống kinh tế. Tất nhiên, những kẻ cơ hội chính trị, lấy cái mác “nhân danh nhân dân” ngoài kia thì không bao giờ cho phép điều đó, mang trong mình một lòng thù hằn với chế độ, chúng luôn muốn chia rẽ Chính quyền với Nhân dân, chia rẽ giữa nhân dân với nhân dân, chống lại quy luật khách quan và xu thế phát triển chung của đất nước. Vậy, chúng lấy cơ sở gì để nhân danh “yêu nước”, “vì nhân dân”?
Tất nhiên, chúng ý thức được những điều mình làm là hại dân, hại nước và “nhân danh nhân dân” chỉ là một con bài trong chiến lược “diễn biến hòa bình” – một chiến lược mà mục đích tối thượng là hạ bệ Chủ nghĩa Xã hội, đánh lái đất nước đi theo con đường khác chứ hoàn toàn không vì nhân dân. “Nhân danh nhân dân” thực chất chỉ là phương thức tiếp cận một cách hòa bình, êm thấm, lặng lẽ nhằm truyền bá những tư tưởng sùng bái mù quáng chủ nghĩa tư bản hòng phá hoại lí tưởng, phá hoại nhận thức mà cốt lõi là làm sụp đổ niềm tin của nhân dân vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Rồi khi tích lũy đủ về lượng, dẫn đến biến đổi về chất thì từ nhận thức sẽ quyết định hành động, tiến tới bạo loạn lật đổ chế độ.
Kỳ 2: Những kẻ chuyên giật dây, kích động
Năm 2016, lấy cớ “bảo vệ biển”, “bảo vệ môi trường”, nhiều nhóm người tụ tập, hô hào, gây rối loạn trật tự xã hội tại Hà Tĩnh, Nghệ An. Năm 2018, với cái cớ là phản đối dự thảo Luật đặc khu, xuất hiện nhiều làn sóng gây rối trật tự công cộng, phá hoại cơ quan nhà nước, tạo hiệu ứng tại nhiều tỉnh thành. Hậu quả của những sự việc đó thì nằm ngay trước mắt: đời sống kinh tế bị đình trệ, thiệt hại tài sản công, đe dọa an ninh chính trị, trật tự xã hội. Vậy, ai là người đứng sau những vụ việc đó? Liệu rằng những vụ việc trên hoàn toàn do sự bức xúc bột phát, hay có những thế lực chống đối nhúng tay vào? Làm thế nào mà sự việc đó có thể được tổ chức vào cùng một thời điểm, cùng một địa điểm với cùng những tấm băng rôn khẩu hiệu hoa mỹ? Động cơ nào, điều gì đã xảy ra để biến những người dân chất phác, lương thiện thành những công cụ đắc lực cho “diễn biến hòa bình”?
Hình 3: Tổ chức khủng bố Việt Tân đã luôn ra sức kích động quần chúng nhân dân
Đừng nhìn vào những chiếc băng rôn, khẩu hiệu với những câu từ “vì nhân dân”, “vì cuộc sống” tuy rằng sự bức xúc trong nhân dân trước những sự kiện đó là chính đáng và có cơ sở. Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết trong bài Đạo đức Cách mạng: “Những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân”. Thực tế là, Đảng luôn sẵn sàng lắng nghe nguyện vọng, những lời góp ý, nhận xét của nhân dân để sửa đổi, bởi, Đảng nói, Đảng làm, tất cả là vì nhân dân! Thế nhưng, mọi góp ý, tranh biện, phản biện đều phải có những quy trình rõ ràng, văn minh, chính đại, có cơ sở, lập luận, lý lẽ rõ ràng, chứ không phải thể hiện qua việc chống đối, hô hào, phá hoại. Rõ ràng, phải có một bàn tay nhem nhuốc, tìm đủ mọi cách để liên kết những sự bức xúc trong mỗi người dân lại. Những người dân lương thiện xuống đường vì tin vào những lời đường mật của bọn chúng, rốt cuộc đã bị chúng lợi dụng lòng yêu nước, lợi dụng chính tinh thần đoàn kết vì những mưu đồ cá nhân.
Chúng ta đã không còn xa lạ gì với các thế lực khủng bố như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời luôn chực chờ nhân dân trải qua những thời điểm nhạy cảm, để “nhân danh nhân dân”, giật dây, bắng nhắng, kích động, gõ trống khua chiêng, hô hào, lôi kéo người dân tham gia vào cuộc bạo động của chúng. Những cái cớ thì có rất nhiều, nhưng đằng sau đều chung một mục đích, là tập hợp lực lượng hòng chờ đợi thời cơ để công khai hóa một tổ chức chính trị đối lập và xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng.
Những cuộc “biểu tình” trên luôn được sắp đặt một cách bài bản, từ thời gian, địa điểm, cho đến những tấm khẩu hiệu “nêu cao nhưng bóng chẳng ngay”, làm sao để chúng thực hiện được như vậy? Rõ ràng, những “con rối” trong nước là những gương mặt “cộm cán”, được các băng đảng phản động lựa chọn kĩ lưỡng trước khi đưa ra nước ngoài để huấn luyện. Sau đó, chúng quay trở về nước, đợi thời cơ để “đâm bị thóc”, “chọc bị gạo”, hại dân hại nước. Và mới đây nhất, một vụ khủng bố có tổ chức đã xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Đặc biệt, trong các tang chứng mà lực lượng chức năng thu giữ được, có bao gồm cờ Fulro. Từ vụ việc trên, những cơ quan truyền thông “cơ hội” đã nhào nặn những câu chuyện về đàn áp người dân tộc thiểu số, lấn át vùng đất làm ăn của đồng bào. Những băng nhóm man rợ, liều lĩnh, manh động trên đã bị các thế lực lưu vong nước ngoài chiêu dụ, mua chuộc và được sự hà hơi tiếp sức bằng vũ khí, trang bị. Dù với cái cớ là gì thì vụ việc trên đã đi ngược lại với khát vọng của Khối đại đoàn kết toàn dân gồm 54 dân tộc anh em luôn mong muốn được sinh sống, làm việc và phát triển trong một đất nước thống nhất, độc lập, hòa bình, ổn định. Bộ Chính trị khóa VI đã có nghị quyết 22/1989/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội miền núi. Sau 5 năm thực hiện, tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành và thực hiện chỉ thị 25/1994/CT-TU về tiếp tục đầu tư kinh tế xã hội vùng sâu vùng xa. Những chính sách trên cho thấy, ngay từ những nhiệm kì đầu sau ngày thống nhất đất nước, Đảng đã luôn quan tâm, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong việc ổn định đời sống và góp tiếng nói vào các vấn đề đất nước. Đặc biệt, ông Ya Duck, đã từng là Đệ nhất phó thủ tướng của tổ chức Fulro, được sự thuyết phục của Đảng với đường lối, chính sách đúng đắn, ông hiện nay đang là Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tất cả là minh chứng cho một nước Việt Nam đoàn kết, hòa bình, thống nhất, bình đẳng.
Để có thể lừa gạt và tổ chức, lôi kéo người dân tham gia vào những buổi tụ tập như trên, chúng đã luôn tập trung tấn công trên mặt trận tư tưởng với những chiến lược lâu dài có thể kể đến như “mưa dầm thấm lâu”, “trắng đen lấn lộn”, “đổi trắng thay đen”, … bằng cách thổi phồng, cắt xén từ các sự việc có thật rồi thêm thắt, suy diễn cộng với những hình ảnh photoshop nham nhở, video cắt ghép khiên cưỡng nhằm xét lại lịch sử, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng hòng gây xôn xao dư luận. Từng giây, từng phút chúng luôn sử dụng trí tưởng tượng phong phú của mình để tung ra những ma trận tin giả qua những “trò hề” như buổi tọa đàm, bản tin phát sóng, hay bài viết trên facebook. Có thể thấy rằng, những điều đó, hoàn toàn không có lý lẽ, không có bằng chứng, nếu có thì hoàn toàn giả tạo, chủ yếu là ra sức kích động, bôi nhọ và xuyên tạc một cách trắng trợn với những câu chữ thắm đẫm bản chất thù hằn.
Dai dẳng hơn, gần một thập kỷ nay, chúng đã luôn ra sức nhồi nhét tư tưởng Đa nguyên chính trị - Đa đảng đối lập, tức là xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, đòi Đảng ta và nhân dân ta từ bỏ con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội. Cụ thể, chúng tấn công trực diện vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xét lại lịch sử hoặc “đục nước béo cò” - lợi dụng những khuyết điểm trong quá trình đi lên Chủ nghĩa Xã hội để chụp mũ, lấy cái nhỏ khái quát nên cái lớn, lấy cái thiểu số khái quát nên đa số, lấy cái chi tiết khái quát nên toàn cuộc. Gần đây nhất, lợi dụng quá trình tu tập của sư thầy Thích Minh Tuê, các tổ chức phản động cơ hội đã chớp lấy thời cơ để liên tục xuyên tạc về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, được Đảng và Nhà nước ghi nhận trong Hiến pháp và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam (bổ sung, phát triển 2011): “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân”.
Hình 4: tổ chức khủng bố Việt Tân xuyên tạc về chính sách tự do tôn giáo của Đảng
Tất cả như đã nêu là một phần của chiến lược “diễn biến hòa bình”. Nhận thức quyết định hành động, vì vậy, tư tưởng trong nhân dân là mặt trận vô hình mà “diễn biến hòa bình” nhắm đến nhằm chủ động tiếp cận, chọn lọc êm thấm, chú trọng kết hợp “diễn biến hòa bình” với bạo loạn lật đổ mà các cuộc tụ tập đông người đã diễn ra là những tiền lệ nguy hiểm.
Vậy, “diễn biến hòa bình” thâm độc như thế nào và đối tượng của chúng là ai?
Kỳ 3: Đối diện với những tiếng kêu lạc lõng
Ngày 25/12/1991, quốc kì búa liềm hạ xuống trên nóc điện Kremlin, khép lại những trang sử huy hoàng của Liên Bang Xô Viết và Đảng Cộng Sản Liên Xô. Chiến lược “diễn biến hòa bình” đã thành công ở Liên Xô và các nước Cộng sản Đông Âu, vậy còn Việt Nam thì sao? Các thế lực cơ hội chính trị chưa bao giờ từ bỏ dã tâm thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những “tên hề” ấy, vẫn sử dụng những “trò hề” núp dưới danh nghĩa “nhân danh nhân dân” cùng những con bài không hề xa lạ như “dân chủ”, “tự do”, “nhân quyền”. Tất cả đều nhằm mục đích xóa bỏ Nền tảng tư tưởng và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ Chủ nghĩa Xã hội. “Diễn biến hòa bình” thúc đẩy sự “tự xóa bỏ”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến các mục tiêu trên có thể đạt được mà không cần đến chiến tranh như đã xảy ra ở Liên Xô.
Thủ đoạn chúng thường sử dụng là như đã nêu ở kỳ trước, chúng họa nên một viễn cảnh u tối về dân chủ, tự do, nhân quyền của đất nước, từ đó, điên cuồng xuyên tạc trắng trợn đường lối, chủ trương của Đảng, rồi cho rằng, phải đa nguyên – đa đảng thì mới đem lại dân chủ, tự do. Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên hay không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất”. Đại hội Đảng lần thứ VI đã dũng cảm chỉ ra khuyết điểm từ việc áp dụng máy móc mô hình Xã hội Chủ nghĩa vào thực tiễn Việt Nam, từ đó xây dựng nền Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa - một đột phá lí luận rất cơ bản của Đảng, mang lại nhiều thành tựu rực rỡ về kinh tế và xã hội trên mọi lĩnh vực. Với nền tảng là sự ổn định chính trị với khát vọng vươn lên, gần 40 năm Đổi Mới, là 40 năm đưa Việt Nam từ một đất nước bị tàn phá qua nhiều cuộc chiến tranh trở thành một nền kinh tế năng động nhất thế giới. Đúng như lời phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Chưa bao giờ, đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Hình 5: Không thể phủ nhận thành quả mang tính lịch sử sau gần 40 năm đổi mới
Bên cạnh đó, việc nhìn vào các quốc gia dân chủ tư sản đã phát triển, có thể chế đa nguyên – đa đảng rồi vận dụng lối tư duy “quy nạp không hoàn toàn” để nói rằng, “Việt Nam phải đi theo con đường đó thì đất nước mới phát triển” là hoang đường vì nó còn tùy thuộc vào đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của từng nước. Việt Nam nằm trong khu vực đấu tranh gay gắt về vấn đề Biển Đông và biên giới. Nếu áp dụng đa nguyên – đa đảng tại Việt Nam dẫn đến hiện tượng kéo bè kéo cánh, phe phái tranh giành quyền lợi, chia rẽ khối đại đoàn kết, làm suy yếu sức mạnh tổng hợp dân tộc, tạo ra một nguy cơ đất nước bị xâu xé thêm một lần nữa, đe dọa đến sự tồn vong của quốc gia. Các thế lực cơ hội chính trị chỉ đang chực chờ một hành lang hợp pháp hòng công khai thành lập những đảng phái đối lập rồi nhảy về Việt Nam “tác quai tác quái”.
Vậy, đất nước Việt Nam có cần đa đảng không? Câu trà lời là: Không! Vì trong tiến trình lịch sử, dù đã có nhiều đảng, phái được hình thành, duy chỉ còn Đảng Cộng Sản Việt Nam là còn đứng vững, rồi “nếm mật nằm gai”, “đứng mũi chịu sào” trước nhân dân, gánh vác sứ mệnh lịch sử to lớn, dẫn dắt dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đảng Cộng Sản Việt Nam, một Đảng có được lòng tin của dân, có đủ uy tín chính trị để đại diện cho toàn dân tộc, đã tạo được cho đất nước một cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế chưa bao giờ có được, thì một Đảng duy nhất hoàn toàn có thể đảm đương vai trò lãnh đạo mà không cần có một lực lượng chính trị nào khác! Trong toàn thể nhân dân Việt Nam, những người mà luôn cảm nhận được giá trị của hai chữ “độc lập” sẽ luôn biết rằng, Đảng Cộng Sản Việt Nam là Đảng duy nhất xứng đáng với vai trò lãnh đạo đất nước!
Hình 6: Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất xứng đáng với vai trò lãnh đạo đất nước!
Dù đất nước có phát triển đến đâu, dù cuộc sống nhân dân có ấm no, hạnh phúc đến đâu thì các thế lực cơ hội chính trị mắc hội chứng “sợ Việt Nam phát triển”, vẫn luôn hăm he đẩy Đảng và nhân dân ta trật đường ray đi lên Chủ nghĩa Xã hội, vẫn những câu chữ hoang đường về Đa nguyên – Đa đảng vì mục tiêu xuyên suốt và không đổi của chúng là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng.
“Diễn biến hòa bình”, tập trung truyền bá văn hóa tư sản xâm nhập vào nước ta, làm mục ruỗng từ trong nền tảng tư tưởng của mỗi người. Vì vậy, thế hệ trẻ, những người chưa vững vàng về lập trường chính trị trở thành mục tiêu hàng đầu của “diễn biến hòa bình”.
Chủ nghĩa Marx-Lenin – tư tưởng Hồ Chí Minh là khát vọng của nhân dân ta, là con đường đúng đắn mà Đảng, nhân dân và chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, phù hợp với xu thế phát triển của toàn thế giới. Ngay từ những năm 20 của thế kỉ XX, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Chính nhờ kiên định với con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.
Mỗi người dân chúng ta, đặc biệt là những chủ nhân tương lai của đất nước hãy luôn tự nâng cao kiến thức, đề cao cảnh giác, kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông, liên tục trau dồi thêm kinh nghiệm, bản lĩnh để tự bảo vệ mình trước những cái bẫy đã được giăng sẵn để không trở thành những quân cờ cho “diễn biến hòa bình”. Ngạn ngữ Tây Ban Nha có câu: “Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi”. Hãy để niềm tin vào Đảng luôn tỏa sáng trong tim, đó cũng là niềm tin vào lịch sử dân tộc, vào những giá trị cao quý nhất của con người Việt Nam.
Còn những người đã lầm đường lạc lối, hãy tự đặt câu hỏi cho mình: Suốt 50 năm qua mình đã làm được gì? Vì “lí tưởng gì”? Bản thân được gì? Đã thay đổi được gì ở Việt Nam? Đúng như cựu phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đã từng khẳng định: “ra rả 30 năm nay rằng chúng ta có sức mạnh, chúng ta có trí tuệ, chúng ta có chất xám, chúng ta có tiền, bây giờ chúng ta chỉ cần đoàn kết lại là chúng ta sẽ có sức mạnh để thay đổi trong nội địa. Nhưng, từ 30 năm nay, chưa bao giờ họ làm được chuyện đó và tôi nghĩ sẽ không bao giờ làm được cả”. Hãy dũng cảm cởi bỏ những thù hằn trong quá khứ để hòa mình vào khối đại đoàn kết dân tộc, ổn định và phát triển cuộc sống.
Tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”!
Tài liệu tham khảo
- GS. TS. Nguyễn Phú Trọng, 2021, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tạp chí Cộng Sản.
- Ban tuyên giáo Trung ương Đảng, 2020, Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng trong tình hình mới, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật.
- 2011, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9 (1958-1959), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
- 2011, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2 (1924-1929), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
- Bộ Chính trị, Nghị quyết 22/1989/NQ-TW.
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
- PGS. TS. Vũ Hiền, PGS. TS. Trần Quang Nhiếp, 2000, Báo chí trong đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
- Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011).
- Chỉ thị 12/TW của Ban Bí thư, ngày 12-7-1992